my tiny little love 🤱🏻
Như các bạn chưa biết, trước khi quyết định đi học thạc sĩ tại Đức, mình đã đi trông trẻ theo diện Aupair trong vòng một năm tại Berlin. Lý do chính là để tìm hiểu về nước Đức, hệ thống giáo dục, xã hội và con người xem có hợp với mình không. Hồi đó mình được phỏng vấn với một gia đình người Australian-Đức ở Berlin và do “hồ sơ đẹp”, nên mình được chọn sau 15p nói chuyện và book vé đi Đức sau đó 2 tuần. Câu chuyện hôm nay mình sẽ không đi sâu vào việc mình phỏng vấn như thế nào hay Aupair là gì, mà mình muốn nói về công việc của mình: trông trẻ. Nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng đối với một người ngoại quốc, hiểu hết văn hoá nước bản địa còn khó chứ đừng nói đến chuyện giáo dục trẻ con ở đây. như thế nào, chơi với trẻ như thế nào cho đúng.
Hồi đó, mình khá xấu hổ khi mọi người hỏi mình sang Đức làm gì: Sang để đi trông trẻ, nghe hơi low-key. Mình thật sự cũng chưa hiểu công việc ấy “chân tay” đến mức nào. Mình tưởng tượng ra cảnh các bà/ chị giúp việc chạy theo bọn trẻ con đút ăn, rồi quát tháo chúng nó, cũng hơi sợ. Mình cũng đọc group Aupair trên FB để xem kinh nghiệm các Aupair tiền nhiệm như thế nào, có bị bóc lột, lợi dụng hay không. Càng đọc càng thấy hoảng. Điều tốt thì ít mà phốt thì nhiều. Nào là gia đình không cho đi ra ngoài, tiếng không sõi nên cũng không có bạn, không có ngày nghỉ, trẻ con thì láo mà bố mẹ không dạy bảo, vân vân mây mây.
Tuy nhiên, sau cuộc phỏng vấn với gia đình ở Berlin, mình nhận được một bảng danh sách các công việc mình cần làm do gia đình chuẩn bị, có thể liệt kê như: chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, cho trẻ ăn, chơi với trẻ, hút bụi, thay quần áo, thay tã cho trẻ, phụ giúp một số việc nhà khi có thời gian. Ngoài ra mình được gia đình host đăng kí cho lớp học tiếng Đức do họ tài trợ, tiền tiêu vặt hàng tháng – pocket money – hồi đó là 260€, quy ra gần bằng tiền lương của mình ở VN. Thêm nữa, trong hợp đồng cũng có quy định ngày nghỉ, ngày làm mấy tiếng. Mình là người khá nguyên tắc nên khi hợp đồng ghi thế, mình cũng yên tâm hơn. Chưa kể, agency của mình ở VN và Đức đều cam đoan với mình (bằng email và giấy trắng mực đen) rằng, nếu có vấn đề, mình sẽ được họ giúp đỡ. Do đó, mình nghĩ: Ừ, chẳng mất gì, cùng lắm là phí một năm cuộc đời, nhưng được nói tiếng Anh, tiếng Đức xả láng, mình tặc lưỡi, đi thôi.
Rồi mình đến Berlin sau 19h di chuyển. Khi mình mới đặt chân đến cửa nhà, điều đầu tiên là cả nhà ra chào đón mình, bố mẹ bọn trẻ giới thiệu mình là một thành viên mới trong gia đình, ngang hàng với bố mẹ và bọn trẻ sẽ phải nghe lời mình nếu bố mẹ không có ở đó. Tiếp theo, mình khá ấn tượng cái cách bố mẹ kiên nhẫn giải thích cho chúng từng thứ một, vì sao mình ở đây, mình sẽ làm gì, bọn trẻ sẽ phải tôn trọng mình ra sao, luôn phải hỏi mình có muốn chơi cùng không và nếu mình nói “không” chúng sẽ không được làm phiền. Mình đã ngạc nhiên khi bố mẹ cho chúng thử chơi với nước sôi, với dao, cho chúng thử chọc tay vào ổ điện để “học” xem nó đau như thế nào. Bố mẹ rất ít khi tức giận mắng mỏ, hiếm khi to tiếng, mình cũng không chạy theo để đút ăn, và thằng anh lớn (lúc đó 6 tuổi) được đối xử, nói chuyện như một người trưởng thành. Nó thường giải thích cho mình việc gì được làm ở Đức, việc gì không, và mình chỉ phải giúp nó khi nó thật sự cần. Đôi khi mình nghĩ, cu cậu trưởng thành và tự lập còn hơn khối thanh niên VN mà mình biết. Hai đứa sinh đôi dù mới chỉ vài tháng tuổi cũng có thời khoá biểu sinh hoạt hàng ngày. Mỗi đứa trẻ đều có hộp đồ chơi riêng và người khác phải được sự cho phép của chúng mới được chơi cùng. Kể cả khi anh lớn muốn chơi cùng em, cũng sẽ phải ra tín hiệu với các em rằng anh có được chơi cùng, hay lấy đồ chơi của em hay không. Nghe hơi điên rồ nhưng nếu em bé khóc hoặc nhăn mặt, thì anh lớn có muốn cũng không được lấy đồ từ em. Khi đi ăn nhà hàng, đứa lớn đều nhường đường cho mình và mẹ vào trước, vì “Ladies first”. Lúc này, chơi với trẻ con không còn là thử thách với mình mà còn là niềm vui. Cho dù bọn trẻ không phải là con của mình, nhưng việc tiếp xúc khi chúng còn bé, chăm và chơi với chúng hàng ngày, nhìn thấy chúng lớn lên, mình cảm nhận được trách nhiệm, sự vất vả khi có con, nuôi con và niềm vui khi chúng vui vẻ, khoẻ mạnh.
Trông trẻ tưởng chừng như đơn giản, ai cũng có thể làm được, nhưng công việc Aupair đã dạy lại cho mình nhiều giá trị đạo đức giản đơn, điều mà ở Việt Nam, theo mình, được học nhưng không được thực hành. Sau một năm đó, điều đầu tiên mình nhận được là vô vàn lời cám ơn từ bố mẹ bọn trẻ và bọn trẻ con từ những việc đơn giản nhất mình làm. Mình dần dà không còn sử dụng “nói giảm nói tránh”, không “xã giao” về những điều mình không hài lòng. Dám nói lên điều mình muốn mà không phải dò xét thái độ người khác. Việc nói chuyện một cách thẳng thắn không làm người Đức phật lòng, mà họ đề cao tính thật thà, và sự cố gắng của mình đối với bọn trẻ. Tình cảm và sự tôn trọng của không chỉ gia đình mà kể cả những người hàng xóm dành cho mình khiến mình cảm thấy công việc mình làm không hề rẻ mạt, mà ngược lại, đáng được trân trọng. Mình nhận được quà vào ngày lễ thánh Nikolas, Giáng Sinh, sinh nhật, không khác gì bọn trẻ. Kể cả sau khi mình chuyển sang thành phố khác để học Uni, thi thoảng gia đình cũng vẫn về thăm mình và giữ liên lạc đến tận bây giờ.
Còn rất rất nhiều điều tuyệt vời nữa mình đã nhận được và học được từ một năm Aupair. Tuy nhiên, mình cũng muốn nói về những khó khăn và vất vả khi mình mới đến, việc hoà nhập vào một môi trường mới không phải ai cũng làm được. Như mình hay nói đùa với bạn “Germany is not for everyone” – Nước Đức không dành cho tất cả mọi người. Điều này mình sẽ chia sẻ trong một bài viết khác, nhé.
Hẹn gặp lại các bạn 😀
Comments